Hướng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cựu chiến binh (CCB) ở huyện Hải Lăng đã không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất hoặc một chu kỳ chăn nuôi. Gần đây trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, điển hình như CCB Nguyễn Tăng Lỵ ở xã Hải Chánh, nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học nên đã có nguồn thu nhập cao hơn so với trước đây.
![]() |
Mô hình nuôi gà sinh học của CCB Nguyễn Tăng Lỵ |
Ông Lỵ cho biết, ở vùng gò đồi, ngoài việc trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, trong khuôn viên gia đình ông có diện tích đất vườn khá lớn nhưng lâu này chủ yếu trồng khoai sắn năng suất thấp. Sau khi ông được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Tổ chức SRD và xã tổ chức, được hỗ trợ 50 kg sinh khối giun quế và một gói men vi sinh để làm đệm lót sinh học cho gà, ông đã tự nguyện gia nhập vào Tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn sinh học và đã áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Ông đã phá bỏ toàn bộ khoai sắn, cải tạo lại vườn, quy hoạch, làm chuồng trại, xây bể nuôi giun quế, mua lưới về quây lại, bước đầu nuôi thử 50 con gà giống Ai Cập, sau đó tăng dần và hiện tại đàn gà có hơn 400 con.
Kết quả cho thấy, nếu như trước đây chủ yếu là nuôi gà ri giống địa phương, hiệu quả mang lại không cao nhưng nay dùng giun quế cộng với ngô, lúa xay nhỏ và cám là nguồn thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, gà có màu sắc đẹp, nhanh nhẹn, tăng trọng nhanh, đối với gà sinh sản đẻ nhiều trứng hơn.
Theo ông Lỵ, nuôi gà theo hướng thả vườn, an toàn sinh học không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy, áp dụng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ chọn giống cho đến chăm sóc, Ngoài việc tổ chức nuôi nhốt trên nền đệm lót sinh học, cần chú ý khâu tiêm phòng dịch bệnh theo quy định, trong đó khẩu phần thức ăn cho gà ngoài lúa, ngô, bột cám gạo chỉ bổ sung thêm giun quế với một lượng phù hợp. Đặc biệt, đối với giun quế có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên phải biết cách pha trộn với các loại ngũ cốc với tỷ lệ cân đối và chỉ cho gà ăn 2 lần/tuần, trong đó lượng thức ăn cho gà ăn đêm nhiều hơn ban ngày vì gà sẽ hấp thụ tốt. Chính nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, tuy mới thực hiện mô hình nhưng gia đình ông Lỵ đã có nguồn thu nhập cao từ trứng và gà thịt.
Ông Phạm Như Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết: Được sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) về kỹ thuật và cung ứng một số vật tư, 14 hộ gia đình trong xã đã thành lập Tổ hợp tác và Ban quản lý có 3 người. Các thành viên trong tổ cùng nhau xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, cùng phát triển để tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, có quy mô và cung ứng cho các đơn vị tiêu thụ với số lượng lớn. Đặc biệt đối với mô hình này, mỗi thành viên đều cam kết không sử dụng thức ăn công nghiệp, trứng và thịt gà đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy mới triển khai chưa lâu nhưng bước đầu cho thấy, các hộ gia đình đều có thu nhập ổn định, riêng tại nhà ông Lỵ với 400 con, trong đó có 250 gà đẻ trứng và 150 gà thịt đã mang lại nguồn thu nhập rất cao.
Ông Trần Minh Hiền, Chủ tịch Hội CCB huyện Hải Lăng nhấn mạnh: “Để góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, hiện nay Hội CCB đang theo dõi, đánh giá mô hình Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học ở xã Hải Chánh. Trên cơ sở đó, sơ kết, rút kinh nghiệm và có các biện pháp hỗ trợ cho tổ hợp tác này phát triển với quy mô lớn hơn cũng như tạo điều kiện cho CCB ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Bá Thuần